Trong giai đoạn 2019 - 2023, ngành xuất khẩu sản phẩm gốm sứ của Việt Nam đã duy trì được mức tăng trưởng ổn định, với mức tăng trưởng bình quân 3,5% mỗi năm. Kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao nhất vào năm 2022 là 711 triệu USD. Mặc dù có sự sụt giảm đáng kể trong năm 2023 (-13%), nhưng ngành này đã phục hồi mạnh mẽ trong năm 2024.
Cụ thể, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gốm sứ của Việt Nam đạt 317,04 triệu USD, tăng 9,51% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm đến 25,5% thị phần, với kim ngạch đạt 81 triệu USD, tăng mạnh 55,7% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, trong tháng 6/2024, xuất khẩu sang Mỹ đạt 12,94 triệu USD, tăng 38,54% so với tháng 5/2024.
Sự phục hồi mạnh mẽ này phản ánh sự tăng trưởng tích cực trong nhu cầu tiêu thụ gốm sứ của thị trường quốc tế, đặc biệt là tại các thị trường lớn như Mỹ.
Xuất khẩu gốm sứ Việt Nam được dự báo sẽ còn nhiều cơ hội để tăng trưởng, nhờ vào sự phát triển không ngừng của công nghệ, nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, cũng như sự đổi mới trong thiết kế và sản phẩm…
Các chuyên gia cho rằng, để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm gốm sứ, doanh nghiệp cần chú trọng vào nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến công nghệ sản xuất, đảm bảo chất lượng và độ bền của sản phẩm, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn và môi trường; đa dạng hóa sản phẩm, tạo ra nhiều mẫu mã và kiểu dáng phong phú để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của các thị trường khác nhau.
Để sản phẩm làng nghề TCMN nói chung và ngành gốm sứ nói riêng có được đầu ra ổn định, ngành Công Thương, chương trình Khuyến công cần hỗ trợ các tìm kiếm thị trường bằng nhiều hình thức, đặc biệt thông qua tổ chức các hội chợ triển lãm, giúp cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được gặp gỡ, giao dịch, kết nối kinh doanh, đàm phán ký kết hợp đồng với các nhà nhập khẩu, khách thương mại để đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm.